Kỷ luật là đức tính cần thiết và có ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như cuộc sống của mỗi người, giúp mỗi người biết tôn trọng chính mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, để rèn luyện được tính kỷ luật cần một quá trình lâu dài và thông qua sự giáo dục, uốn nắn ngay từ khi còn nhỏ.
Vậy bố mẹ cần phải làm gì để dạy trẻ tính kỷ luật? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số thông tin dưới đây nhé!
1. Dạy từ khi trẻ còn nhỏ
Mọi hành vi, thái độ của con người suy cho cùng đều được xây dựng từ thói quen và nhận thức mà có. Muốn trẻ lớn lên trở thành một người kỷ luật, biết tuân thủ những nguyên tắc của bản thân và xã hội bố mẹ nên dạy trẻ tính kỷ luật ngay từ nhỏ. Việc giúp bé biết đặt ra những mục tiêu, cam kết trong bất kỳ công việc nào cũng sẽ hình thành cho bé thói quen tự lập và tuân thủ đúng quy định đã đặt ra.
Chẳng hạn như: bố mẹ có thể dạy trẻ biết sinh hoạt khoa học, học tập, nghỉ ngơi, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, hay dạy trẻ biết đặt ra mức thời gian cụ thể để hoàn thành một công việc nào đó, hay dạy trẻ tuân thủ quy định về thời gian xem phim trong một ngày… Những bài học đó tuy nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn để hình thành sự tự giác, giúp bé biết cách xây dựng thời khóa biểu và sắp xếp công việc, thời gian một cách hợp lý. Từ đó, ý thức về kỷ luật trong công việc và cuộc sống sẽ dần hình thành ở tính cách và tạo nên thành công trong tương lai cho trẻ.
2. Giữ thái độ kiên quyết và cứng rắn
Nhân cách của một con người cần được rèn luyện qua cả một quá trình dài lâu và đức tính kỷ luật cũng vậy. Để giúp bé trở thành người sống có kỷ luật thì tốt nhất bố mẹ cần phải duy trì những luật lệ, quy tắc mà bố mẹ và bé đã thỏa thuận trước đó. Tuyệt đối không thể vì mệt mỏi, mất tập trung mà bỏ qua những lỗi sai của bé. Bởi việc những việc đó có thể sẽ khiến bé cũng tự phá vỡ những quy tắc, không biết hành xử sao cho đúng. Ngoài ra, thiên vị cũng là yếu tố khiến bố mẹ thất bại trong việc rèn tính kỷ luật cho bé.
Chẳng hạn như: Cùng một lỗi sai nhưng bố mẹ phạt anh trai, nhưng lại bỏ qua cho em. Việc đối không công bằng của bố mẹ sẽ khiến cho bé có cảm giác hụt hững, ấm ức và có tư tưởng chống đối với bố mẹ, làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
3. Bố mẹ làm gương cho trẻ noi theo
Trong những năm đầu đời, tấm gương lớn nhất để bé học theo là bố mẹ. Mọi lời nói, hành động của bố mẹ đều là phương tiện cho bé học theo và làm theo. Do vậy, muốn con mình có tính kỷ luật trước tiên bố mẹ cần có tính kỷ luật trước. Không thể có ông bố nào luôn luôn ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt mà đòi hỏi con mình có chế độ ăn uống lành mạnh được, cũng như không có bà mẹ nào có thể nói con mình phải ngăn nắp, gọn gàng trong khi luôn để nhà cửa bừa bộn mà không chịu sắp xếp.
Để hình thành nên ý thức tự giác tuân thủ quy định, trước tiên bố mẹ cần phải làm gương đầu tiên rồi sau đó mới khuyến khích, khen ngợi nếu trẻ chấp hành tốt hoặc nhắc nhở, có hình phạt khi trẻ làm sai.
4. Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con
Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con có nghĩa là khi đưa ra những quy tắc, nội quy để giúp trẻ xây dựng tính kỷ luật mẹ cần dựa trên ý kiến, quan điểm và sự chấp thuận của con. Những bản quy định đó được xem là bản cam kết, có sự đồng tình giữa bố mẹ và con cái. Bên cạnh đó, mẹ cần tránh hiện tượng áp đặt, cứng nhắc và độc đoán đối với trẻ. Nếu bố mẹ làm sai hãy thẳng thắn xin lỗi bé, đó cũng là phương pháp để giúp bé biết cách nhận lỗi và hoàn thiện chính mình hơn.
Thảo Phương