Vị trí: Núi Bài Thơ ở trung tâm Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đặc điểm: Đây là một di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bài thơ khắc trên đá của một số vị vua đi kinh lý, cảm hứng trước vẻ đẹp thần tiên của Vịnh Hạ Long đã làm thơ.
Nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, có độ cao 200m, núi Bài Thơ là một di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Trước kia núi có tên gọi là núi Truyền Đăng. Đến tháng 2 năm 1468, nhân một dịp đi kinh lý vùng Đông Bắc, cảm hứng trước cảnh đẹp thần tiên của Vịnh Hạ Long vua Lê Thánh Tông đã làm một bài thơ và cho khắc vào vách núi phía Nam. Từ đó núi có tên là núi Đề Thơ, sau được gọi là núi Bài Thơ. 261 năm sau (năm 1729), nhân dịp duyệt thủy quân trên Biển Đông, chúa Trịnh Cương đã là một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc ngay gần đấy.
Ngoài ra Núi Bài Thơ còn dấu tích bài thơ của Nguyễn Cẩn và một số bài thơ khác. Ngay dưới chân núi Bài Thơ có chùa Long Tiên mới được xây dựng vào năm 1940 để thờ Phật và các vị tướng triều Trần có công với nước. Ngôi chùa mang những nét kiến trúc rất độc đáo. Gần ngôi chùa này cũng có một con đường dẫn lên đỉnh núi. Ở Bến Đoan ngay gần chân núi còn có ngôi đền nhỏ do các chủ thuyền thường xuyên buôn bán qua vùng biển Đông Hải cùng nhau góp sức xây dựng. Đền thờ vị tướng tài Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Nghiễn là người có công lớn trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của triều Trần, đặc biệt là quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba năm 1288. Đến 1913 đền đã được trùng tu lại như ngày nay.
Theo: vietnamtourism