Thông thường, từ 6 tháng tuổi trở đi, bé bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên. Khi trẻ mọc răng, trẻ thường bị sốt nhẹ và hay quấy khóc. Vì vậy, trong thời kỳ này, mẹ cần lưu ý một số điều để chăm sóc con mình tốt hơn.
1. Triệu chứng khi trẻ mọc răng và cách chăm sóc.
Chảy nước dãi nhiều: Khi trẻ mọc răng, nước dãi xuất hiện nhiều hơn trong miệng bé và sẽ chảy ra bên ngoài. Đây là một hiện tượng rất bình thường nên ba mẹ không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, ba mẹ nên cần để ý bé nhiều hơn và dùng khăn sạch lau nước dãi của bé thường xuyên để tránh làm bé bị ngứa hoặc khó chịu.
Thích ngậm, bú mút đồ vật: Khi lợi bắt đầu nứt để những chiếc răng đầu tiên nhô lên, bé sẽ cảm thấy ngứa và đau. Để giảm bớt cảm giác đó, bé sẽ tự động ngậm hoặc mút tay, đồ chơi hay bất kỳ thứ gì trong tầm tay bé. Ba mẹ nên chuẩn bị cho bé những dụng cụ ngậm nướu chuyên dụng để giữ gìn vệ sinh và bảo vệ bé khỏi những vi khuẩn có hại.
Sốt: Khi mọc răng, nhiều trẻ chỉ sốt nhẹ thông thường nhưng cũng có trẻ sốt cao với tình trạng co giật nhiều ngày. Nếu trẻ chỉ sốt nhẹ, ba mẹ có thể cho bé mặc đồ mỏng, thoáng mát và chườm khăn ấm. Nếu trẻ sốt cao nhiều ngày không khỏi, ba mẹ nên đưa bé tới bác sĩ thăm khám.
Bỏ ăn: Mọc răng khiến cơ thể bé mệt mỏi và khó chịu. Do đó, bé thường bú ít đi và bỏ qua những bữa ăn dặm hàng ngày. Ba mẹ nên kéo dài thời gian giữa các bữa ăn của bé, dỗ dành bé ăn mỗi khi có thể. Nếu bé bỏ bú và ăn dặm kéo dài, hãy đưa bé đi khám sớm để được hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp.
Ngoài những triệu chứng trên, bé còn có thể quấy khóc, ho và khó ngủ hơn những ngày bình thường.
2. Dinh dưỡng cho trẻ mọc răng.
Giai đoạn này bé thường biếng ăn nên bạn có thể chỉ cho bé bú sữa mẹ thôi là đủ. Nhưng nếu bé bú ít, bạn nên cho bé ăn bột, cháo xay nhuyễn để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Thức ăn của bé luôn phải được đảm bảo về độ mềm, dễ nuốt và không được quá nóng hay quá lạnh để bé ăn được nhiều hơn. Đây cũng là thời điểm mà bé cần được bổ sung nhiều canxi trong các bữa ăn hàng ngày.
Khi bé mọc răng hàm, bạn không nên tiếp tục xay nhuyễn đồ ăn cho bé mà chỉ nên thái nhỏ để bé tập nhai. Dạy bé nhai đồ ăn là một hoạt động quan trọng giúp bé bớt biếng ăn, ăn ngon miệng và giúp phát triển cơ hàm của bé.
3. Một số lưu ý khác.
Ba mẹ không nên để bé mút tay thường xuyên cho dù đấy là cách để giúp bé đỡ ngứa và khó chịu ở lợi. Vi khuẩn từ trên tay bé sẽ xâm nhập vào cơ thể khiến bé dễ mắc bệnh. Ngoài ra, thói quen này cũng có thể làm răng bé mọc lệch, không đều và thẳng hàng.
Nằm uống sữa và nhai một bên là những thói quen không tốt thường gặp ở trẻ khi mọc răng. Nằm uống sữa khiến bé ngậm bình lâu hơn, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập gây sâu răng. Trong khi đó, nhai một bên dễ khiến bé bị lệch hàm, ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Do đó, ba mẹ nên khắc phục cho con ngay từ khi thấy bé bắt đầu có những thói quen này để tránh gây ra những tác hại đến sức khỏe và răng của trẻ về sau.
Mỹ Duyên