Ngoài Agribank, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank, LienVietbank, Sacombank… cũng đang tập trung tham gia mạnh vào khu vực tín dụng nông nghiệp nông thôn.
Mới đây Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ngân hàng lâu nay không quan tâm lắm đến khu vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn thì nay đã tập trung cạnh tranh mạnh mẽ. Theo một số chuyên gia kinh tế, trong thời kỳ thắt chặt tín dụng như hiện nay, tín dụng khu vực này càng hấp dẫn hơn nhờ “bình sữa” hỗ trợ từ nhà nước.
Hấp dẫn nhờ “bình sữa” chính sách tín dụng
Có thể thấy, lâu nay chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của Đảng và Nhà nước đã được các ban, ngành luôn có sự nỗ lực khá lớn nhằm thúc đẩy phát triển khu vực này.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp và nông thôn.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian đầu chỉ có ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) tập trung mạnh nhất phục vụ khu vực này. Vào thời điểm từ 2008 đổ về trước, dư nợ tín dụng khu vực này chỉ đạt con số khá khiêm tốn hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy từ cuối 2009, dự nợ tín dụng khu vực này đã tăng gấp 9 lần.
Cơ cấu nợ cũng đã được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng đầu tư vốn trung và dài hạn. Năm 2009, cho vay trung và dài hạn chiếm 40%, cho vay ngắn hạn chiếm 60%. Chất lượng tín dụng cho vay nông nghiệp được đảm bảo, nợ xấu được duy trì ở mức thấp.
Mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, chính sách tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn đã thu hút được sự tham gia tích cực của các ngân hàng.
Agribank vẫn là ngân hàng đóng vai trò lớn phục vụ khu vực này (với dư nợ cho vay chiếm tới 70% tổng dư nợ ở khu vực này). Tuy vậy, hiện không riêng gì Agribank mà nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank, LienVietbank, Sacombank… cũng đang tập trung tham gia mạnh vào khu vực này.
Đặc biệt, hiện Vietcombank, Viettinbank, LienVietbank đang có sự cạnh trạnh khá lớn. “Điều này Agribank cũng phải suy nghĩ, xem xét lại về cơ cấu phục vụ khu vực này…” Thống đốc nói.
Trong năm 2010 VietinBank có dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này đạt tới gần 60 nghìn tỷ đồng. VietcomBank cũng cho vay tới 35 nghìn tỷ đồng.
LienVietbank là ngân hàng thương mại cổ phần (ngoài quốc doanh), từ trước tới nay cũng không mấy quan tâm lĩnh vực này, nhưng nay lại là ngân hàng đầu tiên tham gia chương trình tín dụng cho phát triển nông nghiệp – nông thôn. Mới bắt đầu trong năm 2010 nhưng tính đến cuối năm 2010, tổng dư nợ của LietVietbank đạt khoảng 3.669 tỷ đồng. Khách hàng phục vụ lớn nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, “hết nạc lại vạc đến xương” là điều dễ hiểu, bởi từ năm 2008 đến nay khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế Việt Nam.
Sở dĩ các ngân hàng bắt đầu tìm đến những “thượng đế” nghèo này cũng xuất phát từ sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường tín dụng. Cũng từ chính sách hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn mà nhiều ngân hàng không muốn bỏ lỡ nguồn cấp vốn từ NHNN, cùng nhiều ưu ái khác.
Tính riêng trong năm 2010, NHNN đã tái cấp vốn cho ViettinBank, Agribank hàng chục ngàn tỷ đồng.
Trong năm nay, thắt chặt tín dụng đang là mối lo ngại của nhiều ngân hàng. Huy động vốn không được vượt quá 14%/năm, trong khi đó nguồn cho vay có lợi nhuận cao như bất động sản, chứng khoán…lại bị hạn chết, kiểm soát chặt. Khó khăn về vốn cũng như khả năng sinh lợi nhuận cao là điều khó tránh khỏi đối với nhiều ngân hàng.
Nhìn sang lĩnh vực phục vụ nông nghiêp, nông thôn với chính sách hỗ trợ, ưu tiên như giảm tỷ lệ bắt buộc, tái cấp vốn…đã khiến nhiều ngân hàng quay hướng tập trung mạnh vào phục vụ những “thượng đế” nghèo.
Thống đốc cũng vừa cho biết, NHNN vẫn ưu tiên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho những ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn. Năm 2010, mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hang phục vụ đối tượng này gần như bằng 0.
Ngoài ra, trong năm nay với các ngân hàng phục vụ lĩnh vực này, NHNN cũng dành một khoản để tái cấp vốn vốn trung và dài hạn.
Cần sử dụng vốn đúng đối tượng
Theo Sacombank, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngoài mục tiêu hỗ trợ, các ngân hang không kỳ vọng đạt lợi nhuận cao. Tuy vậy, phục vụ nhóm đối tượng ưu tiên của Nhà nước thì có phần an toàn hơn lĩnh vực sinh lời cao khác.
Sở dĩ an toàn là vì các khoản cho vay khu vực này thường không lớn, nên rủi ro cũng thấp nếu thành nợ xấu. Những trường hợp do thiên tai, dịch bệnh…nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ, giãn nợ, khoanh nợ…kèm theo nhiều hỗ trợ khác.
Theo báo cáo của NHNN, với mục tiêu hỗ trợ khu vực này nhằm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng khu vực này cũng đã tạo điều kiện cho những hộ nông dân nghèo và các đối tượng khác khu vực này được tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng một cách nhanh chóng.
Chính sách trên cũng cải thiện khá lớn đời sống vật chất, tinh thần cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực sự làm thay đổi và dịch chuyển cơ cấu kinh tế các vùng, ngành theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy vậy, nguyên Thống đốc ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng, lợi nhuận khu vực này không cao, nhưng hiện khá nhiều ngân hàng lại tập trung phục vụ khu vực này, rất khó tránh khỏi những khuất tất trong sử dụng vốn đúng đối tượng. Đặc biệt trong thời điểm khó khăn của các ngân hàng như hiện nay.
Theo Khổng Nhung
VNMEDIA